Neil Fraser, một kỹ sư phần mềm của Google, đã chia sẻ sau chuyến thăm các trường học ở Việt Nam: “Việt Nam là đất nước có nhiều học sinh giỏi tin học nhất mà tôi từng chứng kiến”.
Các startup công nghệ non trẻ của Việt Nam đang nổi lên nhanh chóng và thu hút sự chú ý của các quỹ đầu tư nước ngoài với kỳ vọng sẽ tạo được thành công mang tầm quốc tế như game Flappy Bird.
Chỉ mới tháng trước đây thôi, các ngân hàng danh tiếng như Goldman Sachs và Stanard Chartered PLC đã đầu tư 28 triệu USD vào startup ví điện tử MoMo. Trong khi đó, quỹ đầu tư mạo hiểm hàng đầu Thung lũng Silicon 500 Startups cũng vừa thông báo khoản vốn 10 triệu USD dành riêng cho startup Việt Nam.
Nhân lực công nghệ thông tin của Việt Nam luôn được các nhà đầu tư ngoại đánh giá cao
Một trong số các khoản đầu tư nhỏ của 500 Startups được rót vào startup Beeketing, nền tảng cho phép các chủ shop online tự động hóa quy trình tiếp thị và nâng cao doanh số bán hàng. Beeketing được sáng lập bởi Trương Mạnh Quân, 26 tuổi và doanh thu 2 triệu USD năm vừa qua phần lớn đến từ thị trường Mỹ.
Eddie Thái, đối tác tìm kiếm startup tiềm năng của 500 Startups tại Việt Nam cho biết “Chúng tôi từng nghĩ là sẽ chỉ đầu tư vào khoảng 10 đến 20 công ty trong vòng 12 tháng, nhưng hóa ra số lượng startup đáng được rót vốn vào còn lớn hơn thế”.
Làn sóng startup đang trỗi dậy đã đưa Việt Nam vào bản đồ của giới công nghệ quốc tế. Chỉ trong vòng 3 năm kể từ khi công ty GEARS có trụ sở tại Hà Nội cho ra mắt game Flappy Bird, Việt Nam đã nổi lên với việc là nơi đặt nhà máy sản xuất lớn nhất Đông Nam Á của hãng điện tử Samsung.
Trong khi đó, các công ty công nghệ toàn cầu cũng đã có nhà máy ở đây từ lâu. Trong số những cái tên đáng được nhắc đến có cả LG, Panasonic, Toshiba,… nay cũng đã mở rộng sang nghiên cứu và phát triển chứ không đơn thuần chỉ là sản xuất nữa.
Các yếu tố khiến Việt Nam hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài chính là giá nhân lực rẻ hơn Trung Quốc, mới đây đã gia nhập TPP, sở hữu nhiều hợp đồng thương mại với EU cũng như các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài.
Một điểm quan trọng khác phải kể đến chính là việc các nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng vào nhân lực công nghệ thông tin của Việt Nam với thệ hệ kỹ sư trẻ ở độ tuổi trung bình chỉ 30.
Neil Fraser, một kỹ sư phần mềm của Google, đã chia sẻ sau chuyến thăm các trường học ở Việt Nam: “Việt Nam là đất nước có nhiều học sinh giỏi tin học nhất mà tôi từng chứng kiến”.
Tổ chức Hợp tác phát triển Kinh tế cũng từng xếp hạng học lực toán và khoa học của học sinh Việt Nam lứa tuổi 15 cao hơn học sinh Mỹ, Úc và Anh.
Fraser bình luận “Những bài tập học sinh Việt Nam phải làm trên lớp theo tôi thấy có thể coi là những đề bài hóc búa trong các buổi phỏng vấn tuyển dụng của Google”.
Thương mại điện tử
Trong khi các dữ liệu về startup tại Việt Nam còn rất ít ỏi thì theo trang tin Tech In Asia của Singapore (cũng là một startup trong lĩnh vực truyền thông từng được SoftBank Group Corp của Nhật đầu tư) cho biết hiện Việt Nam có khoảng 1500 startup đang hoạt động. Nếu tính trên dân số thì tỷ lệ startup tại Việt Nam còn cao hơn Indonesia (2100 startup), Trung Quốc (2300 startup) và Ấn Độ (7500 startup).
Cũng giống như tại Indonesia, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam phát triển ngay cả khi không nhận được nhiều hỗ trợ từ chính phủ (thường chỉ nhận được tư vấn về luật pháp cùng số vốn 10.000 USD nếu được chọn vào chương trình tăng tốc khởi khởi nghiệp của Vietnam Silicon Valley do chính phủ thành lập). Trong khi đó, Trung Quốc thông báo đã dành 6.5 tỷ USD đầu tư vào các startup trong lĩnh vực công nghệ và năng lượng sạch năm vừa qua và Ấn Độ thì cam kết chi 1,5 tỷ USD cho startup hồi tháng 1 năm nay.
Mạnh Quân, CEO của Beeketing cho biết “Tôi muốn phát triển Beeketing trong 5 năm tới rồi bán để tự mình đầu tư vào các startup khác”.
Hầu hết các startup Việt Nam đều hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử với tăng trưởng doanh số rơi vào khoảng 35% trong năm ngoái (lên 4 tỷ USD). Con số này mới chỉ chiếm 2,7% tổng doanh thu từ bán lẻ toàn quốc và cho thấy thương mại điện tử tại Việt Nam còn rất nhiều đất phát triển.
Cùng nằm trong hệ sinh thái thương mại điện tử còn có các startup công nghệ trong mảng logistics như Giaohangnhanh. Chỉ tính riêng trong năm ngoái, Giaohangnhanh đã giúp tiết giảm tổng chi phí vận tải hàng hóa trong nước từ 1/4 GDP xuống còn 1/5.
Nhóm làm việc tại Lozi
Các startup tiềm năng khác phải kể đến Lozi (ứng dụng tìm kiếm cửa hàng ăn uống rất phổ biến trong giới trẻ) với mức đầu tư hàng triệu USD từ các quỹ nước ngoài như DesignOne của Nhật và Golden Gate Ventures của Singapore.
Trần Minh Sơn, một trong 4 sáng lập viên của Lozi đã tạm dừng việc học đại học tại Mỹ để tập trung cho ứng dụng.
Sơn chia sẻ “Cảm giác như thể tự cắt chân mình vậy, đã theo là không còn đường về. Bố mẹ đã chì chiết tôi rất nhiều, thậm chí còn muốn đuổi tôi ra khỏi nhà”.
Từ khi thành lập năm 2012, đến nay Lozi đã sở hữu 600.000 người dùng cùng 4 triệu lượt xem hàng tháng.