0913 476739 091 35 36 461

Sau khi cắt bỏ "khối u" Lumia, sự kết hợp Surface và "Microsoft Android" sẽ giúp cho gã khổng lồ phần mềm thực sự đe dọa tới Apple và Google.

Trong khi quý tài chính vừa qua của Microsoft chứng kiến doanh thu sụt giảm 49% thì Surface lại có kết quả ngược lại: doanh thu mảng Surface đạt 1,35 tỷ USD, tăng 29% so với cùng kỳ 2014. Dù cho số lượng 1,6 triệu máy Surface bán ra trong quý vừa rồi vẫn chưa thực sự là một thành công tầm cỡ thì Microsoft cũng đã làm được một điều kỳ diệu: đi ngược chiều suy thoái của cả thị trường PC lẫn thị trường tablet. Các con số vô cùng khả quan về Surface cũng là một phần lý do chính giúp cho cổ phiếu của Microsoft tăng mạnh trong phiên giao dịch ngay sau khi công bố tình hình tài chính, dù cho mảng di động của hãng tiếp tục lụi bại.

Cùng lúc, những tin đồn về chiếc "Surface Phone" hướng vào người dùng doanh nghiệp lại xuất hiện ngày một dồn dập hơn. Những tin đồn đó rất có thể sẽ trở thành sự thật trong năm nay, đặc biệt là khi sự kiện Microsoft BUILD 2016 đang đến rất gần.

Và đây là lý do vì sao Microsoft cần ra mắt Surface Phone để thỏa mãn ước nguyện của các fan và tự cứu mảng di động đã bị Lumia làm cho kiệt quệ.


Một bản vẽ ý tưởng Surface Phone.

Một bản vẽ ý tưởng Surface Phone.

Thiết lập một khuôn mẫu mới cho smartphone

Chỉ nhìn vào doanh số để đánh giá thành công của Surface thì sẽ thật là thiếu sót. Microsoft chưa bao giờ mang tham vọng đưa Surface trở thành một dòng sản phẩm bán chạy như MacBook mà chỉ muốn chứng minh ý tưởng rằng người dùng có thể dùng tablet lai laptop làm sản phẩm điện toán màn hình lớn duy nhất trong cuộc sống số của họ. Khi nhận định về doanh số Surface trong quý vừa qua, IDC cũng đưa ra kết luận rằng điều cần thấy ở đây là người tiêu dùng đã chấp nhận mua những sản phẩm lai như Surface để thay thế cho laptop.

Từ khi Microsoft ra mắt Surface vào năm 2012 đến nay, các đối tác sản xuất của hãng đã liên tục ra mắt những dòng sản phẩm tương tự: Dell có Venue, HP có Spectre, Acer có Aspire R còn Lenovo có IdeaPad. Người ta gọi các sản phẩm này là các "bản sao" của Surface, nhưng đó hoàn toàn không phải là một thông tin tiêu cực: rõ ràng là tầm nhìn do Microsoft vạch ra đã mang lại kết quả tốt và được các đối tác hưởng ứng tích cực.


Mỗi hệ điều hành đều cần một thiết bị điển hình nhất, khuôn mẫu nhất để các nhà phát triển có thể dùng làm cơ sở phát triển các ứng dụng cho hệ điều hành đó. Windows 10 có Surface, Android có các mẫu Nexus, nhưng Windows Phone 8/Windows 10 Mobile thì lại chưa có sản phẩm nào thực sự đặc trưng cả. Khi phát triển các sản phẩm phần cứng như một nhà sản xuất thông thường, Microsoft đã tạo ra những thiết bị mang trong mình những yếu tố gây phân mảnh, ví dụ như tính năng Lumia Camera thừa hưởng từ Nokia.

Những chiếc Nexus thì không gặp phải hiện tượng tương tự: Google không hề trang bị cho những chiếc điện thoại này các công nghệ dạng như UltraPixel. Được sản xuất ở quy mô khá nhỏ, Nexus thực chất chỉ mang trong mình những link kiện phần cứng "chung" nhất, điển hình nhất cho Android.

Google cần các nhà sản xuất bắt kịp và vượt qua Nexus. Nhưng khi phát triển smartphone Windows Phone, các nhà sản xuất đang nắm chắc phần thua về chất lượng ảnh chụp khi cạnh tranh cùng chính công ty phát triển nền tảng. Microsoft cần Surface Phone phá bỏ định kiến này.


Lumia không thể là thiết bị đại diện cho tầm nhìn của Microsoft. Lumia không thể là thiết bị đại diện cho tầm nhìn của Microsoft.

Tiếp đó, Surface Phone sẽ là giải pháp cho vấn đề đối tác của Microsoft trên mảng smartphone hiện thời. Nếu giảm được quy mô sản xuất smartphone xuống còn ngang quy mô sản xuất Surface thì Microsoft sẽ không chỉ cắt được phần lớn các khoản chi phí khổng lồ mà còn cải thiện được đáng kể mối quan hệ với các đối tác phần cứng. HP, Dell, Lenovo rõ ràng là vẫn chiếm phần lớn thị phần laptop lai tablet (nói cách khác, họ không thực sự lo ngại về sức cạnh tranh của Surface) trong khi "tận hưởng" thành quả marketing từ dòng sản phẩm của Microsoft. Một kịch bản tương tự cho Windows Phone sẽ làm đẹp lòng Samsung, HTC hay bất kỳ một nhà sản xuất nào muốn quay lại với hệ điều hành di động của Microsoft.

Sức mạnh vượt trội và tầm nhìn điện toán "tất cả trong một"

Tablet Surface thành công nhờ đại diện cho một trải nghiệm thực sự mới: vừa có cảm ứng tốt, vừa có giao diện chuột phím tốt và hỗ trợ cả bút stylus chất lượng cao. Khi smartphone Surface ra mắt, khả năng "biến hình" sẽ được phát huy qua tính năng Continuum vốn đã có mặt trên Lumia 950, Acer Jade Primo và mới đây là HP Elite x3.

Nhưng vấn đề lớn nhất của tất cả những chiếc smartphone Continuum hiện tại là dù cho có được trang bị khả năng mở rộng phần cứng thành laptop/desktop thì chúng vẫn chưa có "bộ não" để làm được điều gì đó có ích, bởi Windows Phone/Windows 10 Mobile mới chỉ chạy trên kiến trúc ARM. Khả năng chạy các bộ ứng dụng Office đầy đủ (như desktop) hay các ứng dụng chuyên nghiệp như Photoshop, AutoCAD trên smartphone Windows Phone vẫn là quá xa vời.


Công thức Continuum cần một bước ngoặt mới trên Surface Phone để hoàn thiện. Công thức Continuum cần một bước ngoặt mới trên Surface Phone để hoàn thiện.

Surface Phone có thể thay đổi điều đó. Hiện tại, Microsoft đang tìm cách trang bị khả năng hỗ trợ đầy đủ kiến trúc ARM64 cho Windows 10 Mobile. Điều này mở ra 2 khả năng lớn: 1, Windows 10 Mobile có thể hỗ trợ trên 4GB RAM để chạy các ứng dụng nặng và 2, smartphone chạy Windows có thể giả lập các ứng dụng desktop đầy đủ của Windows truyền thống. Khi gắn các bộ "thân laptop" vào chiếc Surface Phone, bạn sẽ được chạy các bản Office 2016 như trên Windows 10, chứ không phải là các phiên bản phóng đại của Office trên Android/iOS.

Các nguồn tin nội bộ còn khẳng định với Windows Central một tin đáng mừng hơn nữa: chiếc Surface Phone vỏ kim loại sẽ có vi xử lý x86 thực thụ. Điều này có nghĩa rằng tầm nhìn Universal App của Microsoft sẽ được thực thi đến mức tối đa (cùng 1 loại native app cho cả điện thoại và PC), thay vì phải dừng ở các bước lưng chừng như HTML5 hay các ngôn ngữ bytecode như C#.

Chọn trọng tâm doanh nghiệp để lẩn tránh "tử huyệt" ứng dụng

Thực tế là các nhà sản xuất smartphone đã từng dùng chip x86 cho smartphone nhưng chưa rộng rãi. So với chip ARM, các mẫu chip Atom của Intel đem lại hiệu năng xử lý các tác vụ thông thường rất tốt (minh chứng là độ mượt của Zenfone khi lướt web bằng Chrome) nhưng lại có GPU tích hợp kém hơn hẳn.


Lựa chọn trọng tâm doanh nghiệp cho Surface Phone tránh xa vấn đề đó. Các doanh nghiệp rõ ràng là không thích thú với việc nhân viên của mình chơi game trên điện thoại trong giờ làm. Ngược lại, khi cần làm việc với các ứng dụng desktop chuyên nghiệp yêu cầu sức mạnh đồ họa, Microsoft có thể sử dụng lại "chiêu bài" đã từng dùng với Surface Book: tích hợp GPU rời cao cấp vào thân laptop. Bạn hãy thử tưởng tượng ra một chiếc smartphone giống với Elite x3 nhưng lại có chip x86 và GPU rời bên trong vỏ laptop. Đó chẳng phải là một chiếc smartphone rất đáng mơ ước sao?

Quan trọng hơn, lựa chọn trọng tâm doanh nghiệp cũng có nghĩa rằng Microsoft chẳng cần phải lo tới sự vắng mặt của Facebook, Instagram hay bất kỳ một ứng dụng phổ biến nào khác. Mỗi doanh nghiệp luôn có nhu cầu ứng dụng tự xây dựng, khác biệt với các doanh nghiệp khác. Điều duy nhất các công ty cần khi xây dựng một hệ điều hành cho các doanh nghiệp là cung cấp đầy đủ các tính năng căn bản (chụp ảnh, bộ giao diện) và một bộ phát triển ứng dụng cao cấp. Đây chính là thế mạnh của Microsoft. Đó là còn chưa tính tới vị thế thống trị của gã khổng lồ phần mềm trong mảng doanh nghiệp nhờ các công nghệ như Active Directory, Outlook Exchange, Office, Azure và nhiều công nghệ khác.

Cuối cùng, nếu áp dụng chu trình sản xuất cỡ nhỏ như tablet Surface cho Surface Phone, Microsoft có thể thoải mái thử nghiệm các ý tưởng mới trên smartphone – điều tối quan trọng để tìm ra hướng đi cho Windows 10 Mobile lúc này. Ví dụ có thể kể tới các tính năng bút cảm ứng hoặc các bộ bàn phím rời tiêu chuẩn. Khi các thử nghiệm này thành công, các đối tác của Microsoft chỉ cần học theo tầm nhìn của Microsoft là có thể góp phần gia tăng thị phần cho hệ sinh thái Windows 10 trên di động.

Mở cửa cho "Microsoft Android"


Một chiếc Surface Phone sẽ giúp Microsoft tiếp tục củng cố vị thế trên mảng doanh nghiệp/người dùng chuyên nghiệp, nhưng vẫn không thể giải quyết vấn đề người tiêu dùng phổ thông không còn chút cảm tình nào với Windows Phone. Thật may mắn, Microsoft hiện đã đầu tư vào Cyanogen OS, và hệ điều hành này sẽ mở đường cho những chiếc smartphone Android có cài đặt sẵn Bing, Outlook, Office và Skype xâm chiếm thị trường.

Điều cần thấy ở đây là Surface Phone và "Microsoft Android" sẽ không mâu thuẫn với nhau, bởi một bên là chiếc smartphone cấu hình cao, phong phú tính năng, giá đắt đỏ để phục vụ cho người dùng chuyên nghiệp có nhu cầu điện toán, bên còn lại là những chiếc smartphone thông thường. Dĩ nhiên, thành công của Windows Phone trên cả thị trường phổ thông lẫn doanh nghiệp mới là điều Microsoft mong muốn nhất, nhưng bây giờ thì ai cũng hiểu kịch bản đó không thể xảy ra. Thay thế một chiến lược đã bị đánh bại tan nát bằng 2 chiến lược mới vô cùng hợp lý là điều công ty của Satya Nadella cần làm lúc này.

Một kỷ nguyên mới, một Microsoft di động


Khi Windows Phone ra đời, nhiều người đã đưa ra những dự đoán hết sức lạc quan về hệ điều hành này. Nhưng đến bây giờ nhìn lại, có lẽ bạn sẽ nhận ra rằng Windows Phone chưa từng có một phần trăm cơ hội nào để đánh bại Android và iPhone.

Tình cảnh này buộc Microsoft phải nghĩ khác, làm khác. Trong khó khăn của PC, Microsoft đã ra mắt những chiếc tablet lai laptop – một phân khúc sản phẩm đến giờ vẫn còn đang tăng trưởng khi cả tablet lẫn laptop đều đã suy thoái trầm trọng. Điều công ty của Satya Nadella cần làm lúc này đã một lần nữa thực hiện những đột phá tương tự với chiếc Surface Phone, một chiếc điện thoại mạnh mẽ hướng vào thị trường doanh nghiệp vốn đã thu hút tất cả những tay chơi lớn như Apple (với iPad Pro) và Google (với Pixel C).

Microsoft có thể phải muối mặt mượn tới Android để thâu tóm thị trường phổ thông, nhưng chiếc Surface Phone sẽ đảm bảo cho gã khổng lồ phần mềm ở vị thế hiện thời: nếu Trái đất còn quay thì kinh tế thế giới vẫn còn cần tới Microsoft.

VNS Thông báoTin tức

Thông báo lịch nghỉ Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024

Thông báo lịch nghỉ Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024

Jan 01 , 2024 Thời gian nghỉ Tết bắt đầu từ ngày Thứ Tư 07/02/2024 (28 tháng Chạp âm lịch) đến hết ngày Thứ Tư 14/02...
Thông báo lịch nghỉ lễ Quốc Khánh 02/09/2023

Thông báo lịch nghỉ lễ Quốc Khánh 02/09/2023

Aug 29 , 2023 Thời gian nghỉ lễ bắt đầu từ ngày thứ 6 01/09/2023 đến hết ngày thứ 2 04/09/2023. Chúng tôi sẽ hoạt...
Thông báo Lịch nghỉ Lễ Giỗ tổ Hùng Vương và Lễ 30/04/2023 - 01/05/2023

Thông báo Lịch nghỉ Lễ Giỗ tổ Hùng Vương và Lễ 30/04/2023 - 01/05/2023

Apr 01 , 2023 Công ty TNHH giải pháp công nghệ Viễn Nam (VNS) xin thông báo lịch nghỉ Lễ Giỗ tổ Hùng Vương và Lễ 30/04/2023...
Thông báo lịch nghỉ Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023

Thông báo lịch nghỉ Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023

Jan 01 , 2023 Thời gian nghỉ Tết bắt đầu từ ngày Thứ Năm 19/01/2023 (28 tháng Chạp âm lịch) đến hết ngày Chủ Nhật 29/01...
Thông báo Lịch nghỉ Lễ 30/04/2022 - 01/05/2022

Thông báo Lịch nghỉ Lễ 30/04/2022 - 01/05/2022

Apr 15 , 2022 Công ty TNHH giải pháp công nghệ Viễn Nam (VNS) xin thông báo lịch nghỉ Lễ 30/04/2022 - 01/05/2022 của công ty...

Copyright @ 2014 Viễn Nam. All rights reserved