Những yếu tố nào đã giúp Google trở thành một trong những công ty có giá trị nhất thế giới hiện nay?
Để đi tìm nguyên nhân, bài viết này sẽ đi vào một vài khía cạnh cơ bản chứ không nêu hết tất cả các yếu tố phụ khác.
1. Thuật toán tìm kiếm ưu việt
Từ góc độ sản phẩm, Google thắng lớn nhờ cỗ máy tìm kiếm giải quyết được đúng nhu cầu của người dùng. Thuở mới bắt đầu, vũ khí lợi hại nhất khiến Google đánh bại Yahoo chính là thuật toán tìm kiếm và khả năng xếp hạng website tuyệt vời. Khi đó, người dùng Yahoo không ít lần cảm thấy khó chịu vì các kết quả tìm kiếm trên trang này liên tục cho ra link đến các trang được chạy quảng cáo chứ chẳng liên quan gì đến thứ họ muốn tìm.
Atif Raza, một người dùng Quora kể lại câu chuyện khi còn nhỏ, khi tìm cụm từ “What does X mean” (X có nghĩa là gì?) trên Yahoo, anh được dẫn tới website được quảng cáo của công ty P&G chứ chẳng ra kết quả mong muốn. Atif cho rằng Yahoo vì “tham” tiền quảng cáo đã đánh đổi lợi ích người dùng để rồi bây giờ phải chứng kiến cảnh họ lần lượt quay gót sang đàn em Google một cách đau đớn.
Không chỉ tốt hơn Yahoo, thuật toán tìm kiếm của Google đến nay vẫn được coi là tốt nhất thế giới. Hãy cùng lấy ví dụ đơn giản dưới đây để so sánh Google với Bing của Microsoft (Lưu ý là các hãng công nghệ fix lỗi sản phẩm liên tục nên có thể kết quả tìm kiếm bây giờ đã thay đổi). Khi gõ cụm từ khóa “movie about subway eastern europe”, trong khi Bing chỉ tìm kết quả có chứa các từ khóa đã gõ thì Google đã “trên cơ” khi cho ra luôn kết quả là bộ phim Kontroll. Có thể hình dung hỏi Google cũng như đang hỏi một người bạn biết tuốt có thể gợi ý luôn cho ta những thứ cần biết chứ không đơn thuần chỉ là một cỗ máy tìm kiếm theo từ thông thường nữa.
Trong khi Bing chỉ tìm được các kết quả chứa từ khóa thì Google đã biết bộ phim người dùng muốn là gì
2. Trải nghiệm tối giản
Về góc độ trải nghiệm, Google mang đến cho người dùng trang chủ đơn giản nhưng rất cuốn hút. Và người có đóng góp rất lớn chính là Marissa Mayer (hiện đang là CEO Yahoo). Bà chính là người có công nâng cao trải nghiệm người dùng cho Google những ngày đầu thành lập. Trong khi trang chủ Yahoo tràn ngập các nội dung “hổ lốn” rối mắt lấn lướt cả thanh tìm kiếm, trang chủ Google lại tinh gọn chỉ có logo và thanh tìm kiếm, giúp người dùng tập trung tuyệt đối vào công việc tìm kiếm cũng như không cảm thấy rối trí về những nội dung quảng cáo xung quanh.
Là một phụ nữ, Marissa Mayer cũng đặc biệt cẩn trọng và tỉ mỉ trong việc lựa chọn font chữ, màu sắc, bố cục,… trang kết quả cho người dùng cảm thấy thoải mái nhất. Bà thậm chí còn từng test thử tới hơn 40 sắc xanh khác nhau và đo tỷ lệ click của người dùng để tìm ra màu phù hợp nhất khi hiển thị kết quả tìm kiếm. Những nỗ lực như vậy hẳn là đã được đền đáp khi hiện nay rất ít công cụ tìm kiếm có thể cho người dùng những trải nghiệm dễ chịu như Google.
Đơn giản và rối rắm, bạn chọn gì?
3. Mạng quảng cáo Adwords và Adsense
Về góc độ kinh doanh, Google vận hành theo mô hình freemium vô cùng sáng tạo: cho phép người dùng sử dụng miễn phí hầu hết các sản phẩm cốt lõi từ tìm kiếm, email, lưu trữ,... cho đến cả nền tảng Android cho các nhà sản xuất điện thoại và thu lợi nhuận qua kênh khác.
Một trong những kênh đó là quảng cáo. Hầu hết mọi người đều biết quảng cáo trực tuyến chính là con gà đẻ trứng vàng tạo ra 97% doanh thu cho công ty. Adwords cho phép các nhà quảng cáo đưa nội dung, website của mình lên top đầu tìm kiếm và chỉ phải trả tiền cho Google khi có người bấm vào các mẩu quảng cáo này. Sau khi nhận các nội dung quảng cáo, ngoài hiển thị trên đầu trang tìm kiếm khi người dùng search các từ khóa liên quan, Adwords còn “ném” các nội dung này sang Adsense để trải đều chúng lên các trang web cài mạng quảng cáo Adsense.
Quảng cáo Adsense rất nhạy trong việc bám sát kết quả search và “dấu tích” duyệt web của người dùng để hiển thị các mẩu quảng cáo đúng chủ đề họ quan tâm nên tỷ lệ click cũng như doanh thu mang lại rất cao. Không có gì khó hiểu khi ngày nay hầu hết các nhà quảng cáo đều sử dụng mạng quảng cáo của Google.
Ngay cả khi bạn vào các website nước ngoài thì Adsense vẫn có thể track được ngôn ngữ gốc của bạn để hiển thị các mẩu quảng cáo tiếng Việt
4. Đa dạng kênh phân phối sản phẩm
Google nay không chỉ được biết đến như một cỗ máy tìm kiếm mà các sản phẩm khác như Gmail, Google Maps, Google Drive, Google Calendar, Google Photos, Android, điện thoại – tablet Nexus, Chrome OS, kính Google Glass,… cũng rất được ưa chuộng. Dường như mục tiêu tối thượng của Google là có mặt ở khắp mọi nơi và cung cấp cho người dùng trải nghiệm đồng nhất chỉ với 1 tài khoản Google và thu thập nhiều dữ liệu người dùng nhất có thể.
Nếu còn phân vân ai biết rõ nhất bạn đi đâu làm gì thì người đó có thể không phải mẹ hay vợ bạn mà chính là Google – người theo sát mọi nơi bạn mở máy online.
Google Maps theo sát bước chân người dùng ở bất cứ đâu họ online
5. Đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển
Google có lẽ là công ty hiểu rõ nhất nguyên lý “thay đổi hay là chết” – ngủ quên trên chiến thắng hay chậm đổi mới có thể giết chết một công ty công nghệ bất cứ lúc nào. Chính vì vậy mà dù đã thành công rực rỡ với cỗ máy tìm kiếm hay dịch vụ quảng cáo, công ty vẫn đầu tư mạnh vào các dự án mạo hiểm tiêu tốn hàng tỷ USD trong công cuộc theo đuổi các công nghệ của tương lai.
Những dự án đầy tham vọng như phủ sóng Internet qua khinh khí cầu, điện toán đám mây, AR/VR,… có thể chưa mang lại doanh thu hay chỉ thu về một phần không đáng kể so với quảng cáo nhưng đều rất có tiềm năng trở thành nguồn sống kế tiếp cho công ty khi thị trường quảng cáo trực tuyến bão hòa.
Nền tảng điện toán đám mây Google Cloud Platform
6. Giữ lửa khởi nghiệp
Các nhà sáng lập Google đều hiểu rằng khi công ty đã bành trướng quá to thì cũng rất dễ xảy ra tình trạng những nhân viên giỏi cũng không có việc gì làm để phát huy hết tiềm năng của mình. Tinh thần kinh doanh của họ cũng dễ thui chột khi chỉ được làm việc như một bánh răng bé nhỏ trong bộ máy khổng lồ. Chính vì vậy mà công ty đã cố gắng cho thành lập một loạt các startup-in-residence – các công ty khởi nghiệp nhỏ bên trong công ty mẹ.
Đây chính là cách Google lưu giữ văn hóa khởi nghiệp máu lửa, sáng tạo cho các nhân viên và giữ chân các nhân tài thu được từ các thương vụ mua bán sáp nhập các công ty công nghệ khác. Việc trở thành CEO một startup của Google chắc chắn sẽ “cool” hơn nhiều so với việc chỉ làm một nhân viên bình thường trong công ty.